Khách hàng là mấu chốt quan trọng nhất quyết định thành công cho sự nghiệp kinh doanh của chính bạn. Nếu bạn không muốn chi tiêu quá nhiều cho marketing, làm thế nào bạn có thể có được nguồn khách hàng mới ngay sau khi Doanh nghiệp vừa đi vào hoạt động?
Sau khi xác định khách hàng tiềm năng, bạn hãy thử áp dụng những phương pháp mà Tadu giới thiệu sau đây để thu hút được nhiều khách hàng mới khi bạn vừa khởi nghiệp.
1) Tiếp cận những người bạn quen biết trước
Cách đơn giản nhất để tạo sự quan tâm và thu hút được khách hàng mới chính là bắt đầu tiếp cận từ những người thuộc mạng lưới xã hội của bạn. Đó là những người bạn quen biết, có thể là bạn bè, người thân, khách hàng cũ,…
- Hãy gặp gỡ người quen và giới thiệu về công ty bạn vừa mở
- Giải thích cho họ biết công ty bạn có thể cung cấp những lợi ích nào
- Tìm hiểu xem người đó có cần sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn hay không
- Nhờ người quen của bạn giới thiệu những đối tượng khác mà họ biết có thể có nhu cầu sử dụng sản phẩm/dịch vụ
Như vậy, bạn có thể nhanh chóng tìm kiếm và thu hút được những đối tượng phù hợp với công ty bạn.
2) Tận dụng marketing “truyền miệng”
Marketing truyền miệng có thể là phương pháp hữu ích và tiết kiệm nhất để công ty bạn được giới thiệu đến nhiều khách hàng hơn.
Để tiến hành truyền thông theo phương thức này, bạn có thể:
+ Tạo chủ đề mới về sản phẩm/dịch vụ của bạn để khuyến khích khách hàng tìm hiểu và bình luận.
Ví dụ: Trước khi một dòng Iphone mới được ra mắt, Apple thường spoil một ít thông tin về sản phẩm mới để khiến người dùng bàn tán về sản phẩm, đồng thời mong chờ sản phẩm ra mắt hơn.
+ Đưa ra thông điệp ngắn gọn – dễ hiểu – dễ nhớ và nhấn mạnh vào những lợi ích nổi bật cho khách hàng mà công ty bạn có thể cung cấp để họ dễ chia sẻ.
Ví dụ: “Ngân hàng không thu phí. Không tốn phí chuyển, rút tiền”. Thông điệp ngắn gọn và dễ hiểu, lợi ích mà bất kỳ khách hàng nào cũng thích đã khiến người dùng liên tục nói về những ưu điểm này, giúp Timo được quảng bá và kiếm được nhiều khách hàng mới.
+ Giúp khách hàng hài lòng với trải nghiệm mua hàng tại công ty bạn. Một khi cảm thấy ưng ý, người dùng có thể chủ động khen và nhắc đến dịch vụ của bạn với nhiều người hơn.
Ví dụ: FPTShop yêu cầu tất cả nhân viên từ bảo vệ, kinh doanh đến thu ngân, kỹ thuật,… đều sẽ đặt tay lên ngực trái, cúi chào và cảm ơn sau khi hỗ trợ khách hàng. Điều này giúp khách hàng cảm thấy FPT rất chuyên nghiệp, tôn trọng người mua, khiến họ hài lòng và muốn quay trở lại. Họ cũng sẽ thường gợi ý FPT nhiều hơn nếu được hỏi ý kiến về những nơi bán di động tốt nhất chẳng hạn.
+ Xin ý kiến đánh giá của khách hàng về sản phẩm/dịch vụ để công ty bạn có thể cải thiện, đồng thời giúp những khách hàng tiềm năng khác có nguồn tham khảo đáng tin cậy và yên tâm sử dụng sản phẩm/dịch vụ mới hơn.
Ví dụ: Trong các trang e-commerce tại Việt Nam, Shopee có thế mạnh về review sản phẩm hơn cả. Các shop bán hàng và hệ thống Shopee sẽ thường xuyên nhắn tin, khuyến khích khách hàng đưa ra đánh giá về sản phẩm/dịch vụ của họ. Khi mà nhiều trường hợp lừa đối khiến việc mua bán online trở nên thiếu tin cậy, các đánh giá thực tế từ người mua sẽ giúp nhiều người dùng khác tìm hiểu được chất lượng sản phẩm, từ đó an tâm lựa chọn mua hàng hơn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chuẩn bị một số bài viết giới thiệu sản phẩm/dịch vụ có đính kèm thông tin liên hệ của công ty để khách hàng dễ dàng chia sẻ trên mạng hơn.
3) Tham gia các diễn đàn và nhóm trên mạng xã hội
Tạo dựng website và fanpage cho công ty là những điều tất yếu để thông báo sự hiện diện online của bạn. Tuy nhiên bạn không nên dừng lại ở đó!
Khi mạng xã hội ngày càng phát triển, nhiều người có nhu cầu sử dụng chúng để kết nối, tìm hiểu thông tin và làm việc trên mạng thuận tiện hơn. Dựa vào những hành vi này, bạn có thể tìm kiếm những hội nhóm, diễn đàn liên quan đến sản phẩm/dịch vụ của bạn.
Ví dụ: Nếu bạn sở hữu một công ty thiết kế web, bạn có thể tiếp cận các hội nhóm liên quan đến WordPress, JavaScript, Web Designer và Developer,..
Hãy tham gia và hoạt động một cách tích cực trên những hội nhóm này. Khi bạn có thể giải đáp thắc mắc và hỗ trợ cho nhiều đối tượng có tiềm năng đối với sản phẩm/dịch vụ của mình, bạn sẽ tạo dựng được uy tín, giúp những đối tượng đó chuyển đổi thành khách hàng thực sự cho công ty của bạn.
4) Tìm cơ hội tiếp cận trực tiếp với khách hàng tiềm năng
Sau khi bạn đã xác định khách hàng lý tưởng của mình có thể là những ai, hãy tạo cơ hội để tiếp xúc trực tiếp với họ. Bạn có thể lựa chọn các hình thức như: tham dự hội thảo, các buổi triển lãm, sự kiện, tổ chức workshop,…
Hãy tìm hiểu xem khách hàng của mình sẽ tham dự những sự kiện nào.
Ví dụ: Nếu bạn đang muốn mở công ty cung cấp dịch vụ thiết kế web => khách hàng của bạn phần lớn sẽ là những người đang muốn kinh doanh online, muốn có website mới hoặc đang tìm kiếm phương án quản lý, chăm sóc và bảo trì website chẳng hạn. Vậy thì những buổi hội thảo về “Sử dụng WordPress hiệu quả” hay “Bí quyết kinh doanh online thành công”,… đều là những lựa chọn phù hợp để bạn dễ tiếp cận khách hàng tiềm năng của mình.
Dù cho bạn tham dự một sự kiện nào đó hoặc tự tổ chức workshop để thu hút khách hàng, việc bạn cần làm là tạo mối quan hệ với họ, thử phân tích vấn đề mà khách hàng gặp phải sau đó gợi ý những giải pháp mà công ty của bạn có thể cung cấp cho họ.
Không phải đối tượng nào cũng có thể sẵn sàng chia sẻ ngay từ lần gặp đầu tiên. Vì vậy, mục đích chính của bạn là làm quen với khách hàng, giữ liên hệ của họ để có thể chăm sóc khách hàng dễ dàng hơn sau này. Đừng quên chia sẻ một ít về những giá trị công ty bạn sẽ cung cấp để khách hàng có thể giới thiệu với bạn những đối tượng khác có nhu cầu phù hợp hơn.
5) Tạo dựng những mối quan hệ bổ trợ cho công ty
Cơ hội không chỉ đến từ những người cần sử dụng dịch vụ/sản phẩm của bạn. Trong quá trình phục vụ khách hàng, công ty của bạn có thể phải hợp tác với những công ty khác để hoàn thành nhiều công đoạn khác nhau.
Ví dụ: Với một công ty thiết kế web, thì ngoài quá trình bạn xây dựng web, khách hàng muốn có một website hoàn chỉnh còn cần đến các nhà thiết kế đồ họa, copywriter,… để thiết kế và tạo nội dung.
Nếu bạn tạo dựng quan hệ với các chủ doanh nghiệp, freelancer,… của các ngành nghề, dịch vụ liên quan, bạn sẽ có thể giới thiệu họ hợp tác để phục vụ cho khách hàng của mình và đồng thời, nhận được sự giới thiệu và có nhiều dự án, khách hàng hơn từ các mối quan hệ đó.
6) Đặt ra thời hạn khuyến mãi dành cho khách hàng
Đưa ra khuyến mãi, ưu đãi giảm giá là phương pháp dự phòng cuối cùng đối với những nhà marketing. Dù bạn chỉ mới khởi nghiệp hay đã kinh doanh một thời gian dài thì việc giảm giá sẽ vừa ảnh hưởng đến doanh thu, vừa tác động đến thương hiệu công ty nếu bạn theo đuổi hình tượng cao cấp – chất lượng.
Tuy nhiên, nếu vẫn trong giai đoạn tìm kiếm những khách hàng đầu tiên và bạn đủ ngân sách cho hoạt động này, hãy chọn ra một số sản phẩm đặc biệt hoặc sản phẩm có thể giải quyết nhanh chóng các vấn đề của khách hàng.
Ví dụ: Nếu đang kinh doanh thiết kế web, bạn có thể biến dịch vụ thành sản phẩm để thu thêm lợi nhuận từ đó như là “Chương trình chăm sóc website toàn diện”,… đồng thời giới thiệu các gói sản phẩm này đến khách hàng tiềm năng của công ty.
Khách hàng rất dễ bị hấp dẫn bởi những chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng kèm,… và nếu bạn đặt ra “deadline” cho những ưu đãi đó, khách hàng sẽ sinh tâm lý “sợ hết” dựa trên hiệu ứng FOMO (Fear of missing out) và đưa ra quyết định mua nhanh chóng hơn.
Ví dụ: Từ những gói sản phẩm như ví dụ trên, bạn có thể thông báo đến khách hàng như “Ưu đãi lên đến 50% các gói chăm sóc website toàn diện để trang web của bạn luôn hoạt động tốt nhất. Chỉ dành cho khách hàng đăng ký TRONG HÔM NAY”
Hãy quảng cáo trên website, mạng xã hội hoặc gửi email cho khách hàng để giới thiệu những chương trình này. Khách hàng sẽ biết đến thương hiệu của bạn, đồng thời có cảm giác yên tâm hơn khi được thử nghiệm sản phẩm/dịch vụ mới mà không tốn quá nhiều chi phí.
Bất cứ ai khi khởi nghiệp cũng có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng bạn hoàn toàn có thể vượt qua những khó khăn đó và vận hành một công ty hiệu quả nếu biết mình cần phải làm gì. Hãy kiên nhẫn và áp dụng những phương pháp Tadu chia sẻ phía trên đây để nhanh chóng thu hút được nhiều khách hàng mới.
Nếu bạn có bất cứ thắc mắc, ý tưởng nào hay cần được tư vấn thêm, đừng quên để lại bình luận hoặc liên hệ với Tadu để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất nhé!