AddThis Sharing Buttons
Share to MessengerMessenger
Zalo
Share to LinkedInLinkedIn Share to Email App Email App

Để đánh giá một công ty có thành công hay không chắc chắn không thể thiếu 2 yếu tố: Doanh thu và Lợi nhuận. Hãy áp dụng ngay những bí quyết mà Tadu chia sẻ sau đây để đảm bảo công ty tạo ra được lợi nhuận từ mỗi dự ánkiếm doanh thu định kỳ nhé!

9. Cách tạo dự án có lợi nhuận

Cho dù điều hành một doanh nghiệp thiết kế web hay bất kỳ loại hình sản phẩm, dịch vụ nào khác, một trong những điểm mà chủ công ty cần quan tâm nhất vẫn là lợi nhuận mà quá trình kinh doanh đem lại được.

Thông thường, chúng ta sẽ tính lợi nhuận bằng cách lấy doanh thu của dự án trừ đi chi phí phải bỏ ra. Nhưng đổi sang một phương thức khác, bạn sẽ nhận được gì nếu thêm trước chi phí, lợi nhuận vào để đi tìm mức doanh thu cần đạt được?

Giả sử, bạn đưa ra doanh thu cho dự án là 11 triệu, nếu tất cả chi phí quản lý, vận hành dự án và công ty trong suốt thời gian đó lên đến 10 triệu, vậy theo như công thức cũ, chúng ta sẽ nhận được lợi nhuận chỉ khoảng 1 triệu từ dự án này, có thể xê dịch về phía con số 0 nếu phần chi phí ước tính thay đổi nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, cũng với dự án đó, giả sử bạn đã biết chi phí tối đa cần bỏ ra cho công ty và dự án là 10 triệu, hãy cộng thêm khoản lợi nhuận ước tính khoảng 50% của chi phí, tương đương với khoảng 30% doanh thu và bạn sẽ tìm ra được mức doanh thu cần đạt cho dự án này, đó là 15 triệu.

“Công thức tính doanh thu: Lấy tổng chi phí để vận hành công ty và dự án đem chia cho 2 rồi lấy con số đó nhân với 3”

Công thức trên đây được áp dụng từ nguyên tắc 3 phần: Doanh thu của một dự án nên được chia thành 3 phần với khoảng 30% cho việc thiết kế, vận hành sản phẩm, 30% cho việc quản lý, duy trì doanh nghiệp và 30% cho lợi nhuận mong đợi. Tuy đây chỉ là một nguyên tắc tương đối, không chính xác trong mọi trường hợp và cũng không thể áp dụng cho tất cả các loại dự án, nhưng bạn vẫn có thể áp dụng nó để làm cơ sở, hình dung và ước tính mức giá ban đầu cho dự án.

Trọng điểm ở đây là bạn phải đảm bảo chắc chắn bạn nhận được 30% lợi nhuận sau khi đã trừ tất cả mọi chi phí.

tạo dự án thiết kế web có lợi nhuận

5 bước đặt ra doanh thu và lợi nhuận cho dự án

Mỗi dự án đều có tiềm năng sẽ tạo ra lợi nhuận, nhưng lợi nhuận bao nhiêu còn tùy thuộc vào tính toán và quyết định của bạn.

Bí quyết để tạo nên được những dự án có lợi nhuận là bạn phải bao gồm tất cả chi phí cần bỏ ra cho cả dự án, nhân lực và doanh nghiệp trong quá trình tính toán thu-chi và lợi nhuận. Dưới đây là 5 bước đơn giản để giúp bạn ước tính và tạo ra lợi nhuận từ những dự án này.

Bước 1: Định giá trước

Điều đầu tiên bạn cần làm để đảm bảo công ty thiết kế mà mình đang vận hành có thể đem lại lợi nhuận chính là đưa ra mức giá ước tính mà bạn muốn cho mỗi dự án.

Thông thường, chúng ta sẽ đưa các phương án, các gói hỗ trợ, tính năng đặc biệt, v.v… vào dự án và sau đó sẽ băn khoăn về vấn đề liệu có cần tính thêm phí cho tất cả những yếu tố này hay không. Do vậy, nếu bạn đưa ra kết quả trước khi định giá, thông thường bạn sẽ có xu hướng đưa ra một cái giá thấp hơn so với những gì bạn cung cấp.

Hãy đề ra một mức giá bạn muốn nhận được từ dự án, sau đó mới tiến hành xác định bạn có thể cung cấp những gì cho khách hàng với mức giá này để họ cảm thấy đây là một cuộc đầu tư đúng đắn.

Nếu bạn vẫn cảm thấy khó khăn trong việc định giá trước, thì hãy nghĩ đến mục tiêu doanh thu mỗi năm chẳng hạn:

  • Mỗi dự án thiết kế web sẽ mất khoảng một tháng để hoàn thành.
  • Giả sử mục tiêu doanh thu là 150 triệu/năm

=> Bạn cần khoảng 10 dự án với mức giá tầm 15 triệu/dự án để đạt được con số ấy.

Vậy công việc tiếp theo chính là xác định các gói dịch vụ và hỗ trợ cho khách hàng tương xứng với mức phí 15 triệu đã được đề ra.

Bước 2: Tính chi phí cá nhân

Hãy kể ra những khoản phí bạn cần chi trả trong một tháng để sống và tận hưởng cuộc sống này. Có thể xem xét đến những vấn đề như: hóa đơn, thuê nhà, chăm lo con cái, ăn uống, giải trí, các khoản vay, thế chấp,…. Đây đều là những chi phí mà tất cả chúng ta đều phải chi trả mỗi tháng, thậm chí là mỗi ngày.

Khi đã là chủ của một công ty, con số bạn kiếm được không phải là một con số cố định như những nhân viên văn phòng khác, mà nó tùy thuộc vào lợi nhuận bạn có thể tạo ra khi kinh doanh. Do vậy, hãy liệt kê khoản phí cá nhân để đảm bảo mức lợi nhuận mà bạn kiếm được đó phải đủ chi trả cho cuộc sống của bạn nữa.

Bước 3: Tính chi phí vận hành doanh nghiệp

Tương tự với các khoản phí cá nhân, việc điều hành và duy trì hoạt động cho một doanh nghiệp, đặc biệt là kinh doanh về mảng thiết kế web mà bạn lựa chọn thì ngoài những chi phí cơ bản bao gồm thuê cơ sở vật chất, lễ tân, di chuyển,… bạn sẽ cần có thêm những chi phí khác như: thuê hosting, domain, bản quyền phần mềm, ứng dụng quản lý và các chi phí kỹ thuật khác nữa.

“Chi phí vận hành là những khoản phí mà doanh nghiệp cần phải chịu trách nhiệm kể cả khi không thực hiện bất kỳ dự án nào”

Hãy liệt kê chi tiết các khoản phí vận hành doanh nghiệp cần chi trong một tháng, từ đó bạn sẽ biết được mình cần kiếm bao nhiêu để chi trả các khoản phí này.

tính chi phí dự án

Bước 4: Tính chi phí dự án

Khi bắt đầu dự án, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều chi phí hơn để hoàn thành dự án đó. Nó có thể bao gồm chi phí cho giai đoạn thử nghiệm, thời gian tư vấn, thuê hosting (cho website của khách hàng), đầu tư nội dung, plugin, giao diện, thiết kế và phát triển web,…

“Biết được bạn cần bao nhiêu để phát triển và hoàn tất dự án mới có thể giúp bạn tạo ra được một dự án có lợi nhuận”

Bên cạnh các chi phí quản lý cơ bản, bạn hãy sử dụng lại danh sách liệt kê những dịch vụ bạn sẽ cung cấp trong phần “Định giá trước”, xác định xem yếu tố nào cần chi trả và cần dùng bao nhiêu ngân sách để tính ra được mức phí cho dự án.

Quy trình tính giá này có thể áp dụng cho cả proposal và những dịch vụ được thêm vào qua quá trình thảo luận với khách hàng để giúp bạn đưa ra mức giá phù hợp nhất.

Bước 5: Ước tính lợi nhuận

Có rất nhiều cách chia tỉ lệ để đưa ra lợi nhuận mong đợi. Để bắt đầu bằng một phương pháp đơn giản, bạn có thể áp dụng nguyên tắc 3 phần như đã chia sẻ phía trên.

Bạn hoàn toàn có thể định ra một tỉ lệ riêng phù hợp với khả năng cũng như mức độ chi tiêu của bản thân và doanh nghiệp. Ví dụ như trong doanh thu bạn nhận được từ dự án: lợi nhuận chiếm 15%, thuế chiếm 15%, chi phí vận hành doanh nghiệp và dự án chiếm 50%, còn lại 20% sẽ dành cho chi phí cá nhân.

Tỉ lệ này có thể tăng giảm, tùy chỉnh theo các quy định hiện hành về thuế cũng như chất lượng công việc của bạn. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng, những khoản phí ở trên sau khi được chia tỉ lệ thì cần đảm bảo duy trì đúng theo tỉ lệ đó. Ví dụ như với 15% lợi nhuận đã định ra, có nghĩa đó là 15% lợi nhuận thuần và bạn có thể bỏ riêng ra một bên mà không làm ảnh hưởng đến dự án.

“Đừng bao giờ suy nghĩ theo chiều hướng bạn có thể rút bớt một phần tiền thuế hay một phần lợi nhuận để chi trả cho các yếu tố khác. Đó là cách phát triển đi xuống và không thể nào đem lại hiệu quả”

Trong một số trường hợp, để một dự án đạt được lợi nhuận, bạn buộc phải đưa ra một mức giá cao hơn hoặc cắt giảm một số dịch vụ cung cấp. Nếu không quyết định thực hiện một trong hai hoặc cả hai phương án, khả năng tạo ra lợi nhuận sẽ rất thấp.

Hãy áp dụng 5 bước cơ bản này mỗi khi bạn cần định giá cho bất cứ dự án nào để định ra mức giá phù hợp và tạo được lợi nhuận cho công ty.

10. Bí quyết tạo doanh thu định kỳ

Ở phần này, chúng ta không nhắc đến những khoản thu thụ động, doanh thu định kỳ mà bạn nhận được là dựa trên những giá trị định kỳ mà bạn tạo ra.

Chế độ khách hàng thân thiết

Đối với một dự án về thiết kế web, thì chế độ khách hàng thân thiết không chỉ là một chiếc thẻ cứng như khi bạn mua sắm và tích lũy ở các siêu thị nữa. Ở đây, bạn có thể dựng nên hệ thống một hoặc một số trang web dành cho khách hàng thân thiết của mình với độ bảo mật thông tin người dùng tối đa:

  • Khách hàng có thể đăng ký và đăng nhập vào tài khoản riêng, tiến hành mua sắm, tương tác, yêu cầu tư vấn và nhận những ưu đãi dành riêng cho thành viên
  • Bạn có thể quan sát hành vi và trải nghiệm của người dùng trên website
  • Dễ dàng cung cấp các tài liệu tính phí hoặc miễn phí để marketing trực tiếp đến khách hàng
  • Làm tăng độ trung thành với thương hiệu, phát triển kế hoạch bán hàng cho những khách hàng sẵn có để đem lại hiệu quả và lợi nhuận cao hơn
membership website

Plugin

Tạo ra những plugin hỗ trợ được khách hàng sử dụng website như Yoast SEO, WooCommerce,.. có thể giúp bạn dễ dàng nhận doanh thu định kỳ từ nó. Không chỉ là doanh thu khi bán sản phẩm, bạn còn nhận được khoản chi phí để cập nhật và duy trì, tư vấn, hướng dẫn cho khách hàng trong suốt quá trình sử dụng.

Giả sử khi plugin này cần cập nhật, bạn có thể làm một video hướng dẫn mới, chỉ ra những thay đổi và cách xử lý, đó sẽ là những khoản mà khách hàng cần chi trả để họ được cập nhật thông tin và giải đáp cho người dùng website của mình một cách nhanh chóng nhất.

Chương trình chăm sóc website

Bên cạnh việc thiết kế các plugin, giao diện thì chương trình chăm sóc website, như hướng dẫn ở phần đóng gói dịch vụ để tăng thêm lợi nhuận, cũng là một phương án hiệu quả để xây dựng doanh thu định kỳ cho doanh nghiệp của bạn.

Chương trình chăm sóc website có thể bao gồm:

  • Cập nhật, sao lưu và bảo trì website thường xuyên
  • Đảm bảo độ bảo mật
  • Quản trị truyền thông và quảng cáo trực tuyến
  • Đào tạo sử dụng các tính năng mới của WordPress
  • Hỗ trợ kỹ thuật và thiết kế
  • Cập nhật và sáng tạo nội dung
  • Email marketing

Các yếu tố khác có thể xem xét

Một số ý tưởng khác có thể hỗ trợ bạn trong việc tạo ra doanh thu định kỳ như:

  • Quản lý tỷ lệ PPC (pay-per-click)
  • Chiến lược tối ưu SEO cho website
  • Quản trị truyền thông và nắm giữ thị trường
  • Chiến dịch marketing tự động và email marketing

Bạn có thể thuyết phục khách hàng chi trả một khoản phí đăng ký theo dõi hàng tháng để nhận được những giá trị định kỳ bạn có thể đem lại. Ví dụ, họ có thể chi trả để nắm rõ về tình hình website, kinh doanh hoặc nhận một số tài nguyên công nghệ để hỗ trợ marketing như: các mẫu email marketing mới, trang đích đẹp mắt hơn, copywriting cho email marketing ấn tượng hơn hay cách tối ưu trang web để tăng tỉ lệ chuyển đổi cho khách hàng.

Biến dịch vụ thành sản phẩm và tạo ra doanh thu định kỳ từ đó là một phương án bền vững, dễ đo lường và có tiềm năng tạo ra lợi nhuận, đồng thời bảo đảm được tài chính cho doanh nghiệp của bạn.

Với 10 bài học thành công mà Tadu chia sẻ, chúng tôi hy vọng bạn đã được truyền cảm hứng và động lực để bắt tay vào kinh doanh một công ty thiết kế web thật thành công cho riêng mình. Hãy bắt đầu và nỗ lực cho mục tiêu của chính bạn ngay từ hôm nay!

Đừng quên đồng hành cùng Tadu và theo dõi các phần khác trong chuỗi 10 bí quyết khởi động một doanh nghiệp thiết kế web thành công nhé bạn!

Phần 1: Hướng dẫn cách tìm kiếm khách hàng và phương pháp tổ chức các buổi workshop hiệu quả để khai thác khách hàng tiềm năng.

Phần 2: Giới thiệu cách tìm hiểu khách hàng và đưa ra giải pháp cho họ, đồng thời cung cấp hướng dẫn tạo proposal hoàn hảo để dự án nhanh chóng được thông qua.

Phần 3: Phương pháp thu thập đủ “nguyên liệu” để tiến hành dự án, hướng dẫn kiểm soát phạm vi dự án, kiểm tra website trước khi khởi chạy và bật mí cách biến dịch vụ thành sản phẩm để tăng thêm lợi nhuận.